Hỗ trợ trực tuyến
Hàng giả, hàng nhái không tha ai
Dù đã được các nhà làm quản lý bỏ ra nhiều công sức nhằm nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn, song vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mà càng thêm tinh vi, phức tạp. Hệ lụy của nó không những làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường mà nguy hiểm hơn, nó đang là mối đe dọa lớn đến sự phát triển của nền kinh tế.


Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả

Mỗi tháng xử lý trên 6.000 vụ vi phạm

Số liệu của Bộ Công thương cho biết, trong năm 2012, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 181.000 trường hợp thì chiếm một nửa trong số đó (90.000 trường hợp) bị phát hiện thực hiện các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. 10 tháng năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý trên 67.000 vụ vi phạm về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trên toàn quốc với tổng số thu nộp ngân sách gần 250 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng, lực lượng quản lý thị trường phải xử lý trên 6.000 vụ vi phạm. Con số này cho thấy vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu ngày càng có xu hướng gia tăng và nếu như không có biện pháp nào ngăn chặn nhằm giảm thiểu, sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Là nước nằm tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam đang trở thành "chỗ trũng” để hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng chảy vào. Và theo giới chuyên gia, Việt Nam cũng là nơi trung chuyển hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại giữa các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Có thể thấy Lạng Sơn đang là nơi đắc địa của giới buôn lậu khi có tới 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới. Với những đặc điểm thuận lợi này, tình trạng buôn lậu tại Lạng Sơn được nhìn nhận là phức tạp nhất hiện nay. Thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho hay, trong thời gian từ năm 2008 đến hết 6 tháng năm 2013, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra và xử lý 31.630 vụ với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên tới gần 60 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu đạt hơn 308 tỷ đồng. Và không khó để nhận ra rằng, Trung Quốc đang là nơi tuồn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sang Việt Nam lớn nhất qua cửa khẩu Lạng Sơn.

Là trung tâm kinh tế của cả nước nên thủ đô Hà Nội cũng đang trở thành điểm nóng của vấn nạn này. Theo các chuyên gia, hàng giả, hàng kém chất lượng từ các làng nghề xung quanh Hà Nội đã và đang cung cấp một số lượng khá lớn hàng kém chất lượng, hàng vi phạm SHTT cho thủ đô.

Có thể thấy, hàng giả hàng nhái, hàng vi phạm SHTT, hàng nhập lậu đang hoành hành không tha một địa phương nào. Người dân đã và đang trở thành nạn nhân của những hành vi trục lợi kinh tế một cách ngang nhiên, trắng trợn.


Thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng khó lựa chọn

Chung sức ngăn chặn

Theo các nhà chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT trong thời gian qua là do siêu lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong khi các chủ quyền SHTT lại đang khá thờ ơ với quyền và lợi ích hợp pháp của mình, họ mới chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa mà quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều DN chưa phối hợp với các cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật. Mặt khác, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích xài đồ rẻ… nên vô tình đã tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Để hạn chế lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền SHTT, giới chuyên gia cho rằng, các cá nhân, DN sản xuất, nhập khẩu phải xác định trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, tích cực liên kết với các nhà sản xuất trong việc đấu tranh chống hàng giả; thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hóa và dịch vụ mà mình cung ứng bảo đảm tính hợp pháp của hàng hóa bán ra, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, DN phải rất chú trọng đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp đồng thời phải tăng cường hiểu biết về Luật SHTT nhằm tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác cũng như không thương hiệu của mình dễ dàng bị đánh cắp.

Theo ông Lê Thế Bảo, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bên cạnh việc đưa ra những giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, thì việc nâng cao nhận thức cộng đồng cũng là điều rất cần thiết hiện nay để chống vấn nạn này. Bởi nếu người dân không tẩy chay mà vẫn mua bán hàng giả, hàng nhái thì chính là đang tiếp tay, tiêu thụ những mặt hàng vi phạm. Thậm chí, ông Bảo kiến nghị, cần sớm có các chế tài xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân biết hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, biết là hàng giả hàng nhái mà vẫn mua bán, trao đổi kinh doanh.

Và đặc biệt, do tính chất phức tạp của vấn nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm SHTT…, tại một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề chống buôn lậu và gian lận thương mại diễn ra mới đây, 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đã cùng bắt tay nhau hợp tác để chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng vi phạm SHTT… Với sự hợp tác này, dư luận kỳ vọng sẽ là cơ hội để các nước gần nhau tìm ra các biện pháp, tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác trong công cuộc phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian tới.

Minh Phương

Danh sách tin tức khác